10 kinh nghiệm quản lý từ các công ty công nghệ Trung Quốc
- PC world
- /
- 25.03.2015
- /
- 23289
Không nghi ngờ gì nữa về việc đất nước đông dân nhất thế giới ngày càng có vị thế trên lĩnh vực công nghệ. Theo số liệu mới được chính phủ nước này công bố, 680 triệu người dân nước này có máy tính xách tay hoặc điện thoại di động và 95% số hộ gia đình tại các thành phố lớn có sử dụng kết nối Internet có dây. Có thể sử dụng các con số này để so sánh với tỷ lệ 74,4% hộ gia đình ở Mỹ có kết nối Internet vào năm 2013 được US Census Bureau công bố. Cần lưu ý là thống kê của Mỹ tính cả các khu vực thành thị và nông thôn.
Theo dự báo năm 2015 của IDC, ngành công nghệ thông tin Trung Quốc sẽ chi tiêu khoản tiền cao nhất từ trước tới nay, khoảng 465 tỷ USD, gấp đôi so với Nhật và nhiều hơn một nửa số các công ty Mỹ cộng lại. Thời điểm này, chính quyền Trung Quốc đang ở giai đoạn chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ 13 dự kiến thực hiện bắt đầu từ năm 2016. Mục tiêu của chính quyền nước này là phải hiện đại hóa ngành tài chính, giáo dục, y tế và công nghiệp quốc doanh khổng lồ của Trung Quốc qua việc liên tục áp dụng các công nghệ di động, mạng xã hội và mua sắm điện tử.
Để làm được điều đó, các nhà lãnh đạo trong ngành CNTT Trung Quốc cũng đã phải xoay xở khá vất vả để có thể thích nghi và bắt kịp với sự thay đổi của kỷ nguyên số. Hãy xem những gì họ làm để có được thành tích ấn tượng như hiện nay.
1. Thương mại gắn liền với trực tuyến
Theo số liệu của Phòng Thương mại Mỹ và Bộ Thương mại Trung Quốc, chỉ riêng năm 2013, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đã phát triển nhanh gấp 2,5 lần Mỹ và có tỷ lệ chi tiêu lên tới 13% trong tổng lượng mua sắm. Phó tổng giám đốc chi nhánh Thượng Hải của BearingPoint – công ty tư vấn công nghệ và quản trị đa quốc gia, ông Jan Martin Bernstorf cho biết: “Người Trung Quốc vận dụng thương mại điện tử rất sáng tạo và tích hợp chúng rất nhanh vào mô hình kinh doanh đang vận hành của họ.” Ông còn nói thêm là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm thấy nhiều điều cần học hỏi. Ông đưa ra ví dụ về việc một công cụ tán gẫu trực tuyến đã được chuyển hóa thành nền tảng thương mại. Mùa xuân năm trước, Alibaba và Tencent đã tung ra các dịch vụ di động dành cho những người sở hữu điện thoại thông minh trên nền ứng dụng WeChat của Tencent để có thể giao dịch và chuyển khoản. Vị phó tổng giám đốc công ty tư vấn này cho biết ngay cả ở nông thôn Trung Quốc và một số vùng xa xôi có cơ sở hạ tầng kém phát triển, rất nhiều người dân nước này vẫn có điều kiện tiếp cận với những công nghệ di động mới nhất.Và như thế thì việc đẩy mạnh thương mại điện tử là tất yếu chứ không còn là giải pháp đối phó như trước nữa.
2. Tập trung vào chiến lược kinh doanh ngay từ ngày đầu tiên
Đa phần các công ty công nghệ Trung Quốc là doanh nghiệp trẻ nên không có quá nhiều điều bị ràng buộc như những công ty gạo cội. Song cũng chính vì thế mà các nhà quản lý công nghệ của những doanh nghiệp này có thể thoát ra khỏi không gian chật hẹp của lĩnh vực CNTT thuần túy để tập trung vào tìm hiểu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách thấu đáo, cẩn thận.
Điển hình trong số này là trường hợp của phó chủ tịch phụ trách công nghệ nghiên cứu dược của WuXi PharmaTech, Jerry Xing sử dụng hầu hết thời gian của mình cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh doanh. Ông này cho biết có tới 80% thời gian làm việc được dành ra để gặp gỡ các nhà khoa học, ông đến và cùng làm việc với họ ở trong phòng thí nghiệm. Kết quả là Xing nắm được tiến độ cũng như ý kiến của nhóm nghiên cứu để có thể điều chỉnh chiến lược công ty cho phù hợp.
3. Ăn chung
Việc mọi người trong văn phòng ăn trưa chung với nhau là rất bình thường. Phó chủ tịch kiêm CIO của Matson Navigation, một công ty vận chuyển đặt tổng hành dinh ở Honolulu, Peter Weis đã có trên 25 năm kinh nghiệm làm việc ở đây. Sau một quãng thời gian dài quan sát và đánh giá, Weis đã cho áp dụng chương trình ăn trưa định kỳ mà không có sự tham gia của người quản lý cho các nhóm dự án tại chi nhánh ở 4 thành phố ở Mỹ. Ông rất ấn tượng với hiệu quả tạo sự gắn kết của nét văn hóa châu Á này và đang tiến tới việc tổ chức các bữa ăn trưa hoặc tối tại nhà hàng cho nhân viên theo quý. Ông nói: “Chúng tôi đã tạo ra những khoảng thời gian để cả đội cùng vui vẻ với nhau. Điều này rất quan trọng bởi lẽ công việc trong ngành CNTT luôn luôn chạy theo dự án và tiến độ rất sít sao”. Quan trọng hơn nữa là công ty đứng ra chi trả toàn bộ chi phí cho các hoạt động như thế này. Cùng chia sẻ quan điểm này, Bernstorf của Bearing Point cũng cho biết việc vui chơi dã ngoại là một phần rất quan trọng trong văn hóa công sở ở Trung Quốc. Thường thì các nhân viên thích tổ chức các chuyến đi khoảng 2-3 ngày. Đó có thể là đi mua sắm ở Hongkong hay leo núi ở Tứ Xuyên. Mục đích đầu tiên của việc tổ chức các chuyến đi này có thể coi như một dạng phần thưởng dành cho nhân viên khi công ty đứng ra tài trợ hầu hết chi phí. Ngoài ra thì hoạt động này có hiệu quả gắn kết xây dựng tinh thần đoàn kết, thúc đẩy tính sáng tạo làm việc nhóm rất tốt.
4. Tạo cơ hội cho các nhà cung cấp nhỏ
Các doanh nghiệp Trung Quốc và CIO của họ thường có quan điểm khác với đồng nghiệp Mỹ trong việc chọn nhà cung cấp. Trong khi các doanh nghiệp Mỹ thường chú trọng vào các tên tuổi Âu Mỹ vì tính chuyên nghiệp cũng như độ tin cậy cao thì doanh nghiệp Trung Quốc lại thường chọn lựa một cách khá linh hoạt. Noel Law, một nhà tư vấn công nghệ và cựu giám đốc của công ty hóa chất Celenese đã chia sẻ kinh nghiệm như vậy và không quên nhấn mạnh khoản tiết kiệm khá lớn mà cách làm này mang lại. Thực tế hiện nay là cả Microsoft và Apple đều đã gặp phải rắc rối trong những tháng gần đây với chính phủ Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến chống độc quyền, bảo mật và mã hóa. Cựu CIO của một công ty sản xuất đồ uống quốc tế, George Kuan đồng ý với quan điểm cần các giải pháp nội địa trong quá trình thực hiện chiến lược toàn cầu hóa ở đất nước đông dân này. Hiện nay Kuan đang phụ trách mảng phát triển kinh doanh của một tập đoàn sản xuất đồ thể thao lớn của thế giới có văn phòng ở Trung Quốc. Ông nói: “Tại sao lại phải trả thêm tiền cho các nhà cung cấp danh tiếng ở nước ngoài trong khi các công ty cung cấp ứng dụng và dịch vụ CNTT trong nước hoàn toàn đáp ứng được. Không những thế, các nhà cung cấp địa phương có ưu thế hơn hẳn về tốc độ đáp ứng dịch vụ và có thể tùy biến phù hợp với yêu cầu của khách hàng chứ không đắt đỏ và nhiều khi không phù hợp với quy trình công việc.”
Ví dụ như để tìm một giải pháp thay thế cho SAP, các chuyên gia CNTT của Trung Quốc sẽ chọn dùng Kingdee và Yonyou mà chúng hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu công việc ở một mức độ chấp nhận được. Kuan nói: “Tôi nghĩ rằng mọi người ở đây đều quan tâm đến hiệu quả đầu tư. Nếu chọn dùng giải pháp của hãng tên tuổi nước ngoài, chi phí bản quyền có thể lên tới cả ngàn đô cho một người dùng. Trong khi đó, nếu chọn dùng giải pháp của các công ty bản địa cung cấp thì chi phí có thể rẻ đi đến chục lần”.
5. Không quá quan tâm tới sơ yếu lý lịch
Ở Trung Quốc, sinh viên thường không được khuyến khích đi làm mà các công ty thường ưu tiên cho những người đã tốt nghiệp. Thêm nữa, các công việc thời vụ được nêu trong sơ yếu lý lịch của ứng viên thường không phản ánh trung thực về khả năng của người đi xin việc. Ronan Berder, nhà sáng lập và CEO của Wiredcraft, một công ty tư vấn phần mềm CNTT ở Thượng Hải nói rằng ông ít khi tin vào sơ yếu lý lịch ở Trung Quốc, thay vào đó ông thường để mắt tới trang web của ứng viên hay các công việc mà họ chia sẻ với mọi người. Kinh nghiệm cho thấy, các ứng viên được tuyển theo kiểu này thường hữu ích cho công ty hơn.
“Chúng tôi giao cho họ thực hiện bài tập thực hành, thường là một dự án thực tế. Ứng viên được khuyến khích hoàn thành bài tập ngay tại văn phòng của Wiredcraft. Chúng tôi thử như vậy trong vài ngày, sau đó có thể gia hạn thêm trong vòng một tháng. Và chúng tôi có thể từ chối nhận họ trong vòng tháng đó mà không cần nói lí do”.
6. Chấp nhận sự không hoàn hảo
Bernstorf lưu ý đến việc tính thực dụng trong văn hóa ở Trung Quốc ngày càng cao. Ông nói đầy ẩn ý: “Không có gì dễ dàng song cũng không có gì là không thể ở Trung Quốc”. So sánh với Đức, Bernstorf cho biết ở quê hương ông, các doanh nghiệp thường có kế hoạch chi tiết và tính toán trước các rủi ro để lên phương án thích hợp. Song ở Trung Quốc thì khác, do cơ sở hạ tầng không đồng đều và môi trường kinh doanh lỏng lẻo, một thực tế là các giải pháp mới luôn luôn đi cùng những trở ngại mới và họ cần nhanh chóng thích ứng. Guillaume Deudon, giám đốc hệ thống thông tin của văn phòng điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Down Chemical đề xuất các lãnh đạo công nghệ của doanh nghiệp cần ủng hộ thúc đẩy phong trào học và đào tạo một cách liên tục bởi lẽ người Trung Quốc thường có xu hướng lặp lại sai sót trong khi làm việc.
7. Tận dụng quan hệ để giải quyết công việc
Ở Trung Quốc, quan hệ cá nhân là vô cùng quan trọng. Sự tương tác cá nhân với khách hàng và nhà cung cấp là không thể thiếu, ngay cả trong lĩnh vực mà quan hệ cá nhân tưởng chừng không quan trọng như CNTT. Bernstorf khuyên rằng nếu muốn làm ăn ở Trung Quốc thì việc chăm sóc tốt các mối quan hệ xã hội là điều phải làm. Ở đây, việc thiết lập mối quan hệ với những người mới chỉ gặp nhau vài lần là hết sức bình thường, thậm chí còn rất cần thiết. Ở một đất nước đang phát triển như Trung Quốc, việc “lỡ” vi phạm quy định luật pháp thường xuyên xảy ra và nhiều khi các mối quan hệ xã hội lại giúp cho chủ doanh nghiệp có thể xử lý mọi chuyện nhanh chóng và êm thấm.
Còn theo Law, các mối quan hệ lại giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Ông này nói: “Ở Trung Quốc, nếu thường xuyên sử dụng luật sư trong các đàm phán kinh doanh thì bị coi là thiếu tin tưởng đối tác. Để khắc phục điểm này, các doanh nghiệp thường cố gắng xây dựng các mối quan hệ tốt để hoàn thành công việc đúng theo yêu cầu''.
8. Xây dựng CNTT như mới khởi nghiệp
20 năm trước, không có công ty khởi nghiệp nào được ghi nhận ở Trung Quốc. Bộ Thương mại nước này cho biết có tới 75% việc làm mới trong năm 2013 thuộc về các công ty khởi nghiệp. Làn sóng này tạo ra nhiều CIO tài giỏi và tận dụng ưu thế của CNTT hiện đại như điện toán mây cùng các công cụ hỗ trợ rẻ và miễn phí vào hoạt động doanh nghiệp. Law nói: “Có anh bạn tôi lập công ty và để tinh giản bộ máy, anh ta thuê tất cả trên điện toán đám mây. Nghĩa là anh ta chuyển các chi phí hạ tầng và công tác hỗ trợ cho các nhà cung cấp dịch vụ, còn việc phát triển hệ thống thì chuyển cho giới lập trình bản địa. Vai trò của các nhà quản lý CNTT đang thay đổi khá nhanh trong thời đại ngày nay và các CIO Trung Quốc tỏ ra thích nghi nhanh hơn so với đồng nghiệp Mỹ”.
9. Kiên nhẫn thấu hiểu nhân viên
Các nhà quản lý CNTT ở Trung Quốc thường trở thành các chuyên gia tâm lý một cách tự nhiên bởi số người có tính cách hướng nội xung quanh họ rất đông. Hồi còn đi học, các học sinh - sinh viên Trung Quốc không được khuyến khích chủ động phát biểu ý kiến ở trường và rất nhiều người trong số họ vẫn giữ thói quen này khi vào công ty làm việc. Do vậy việc hiểu thấu đáo về nhân viên cần nhiều thời gian hơn. Các nhà quản lý phương Tây cho biết việc yêu cầu các nhân viên phát biểu ý kiến trong các cuộc họp thường không thu được kết quả gì. Deudon nói: “Việc tổ chức được một cuộc họp mở theo định hướng là cực khó bởi lẽ mọi người thường có khuynh hướng giữ kín suy nghĩ của mình”. Người quản lý giỏi là người có thể thông qua các cuộc gặp gỡ mang tính cá nhân để thu thập thông tin phản hồi cần thiết.
Đây cũng là một điều mà các nhà quản lý CNTT Mỹ cần lưu ý vì phong cách thiết kế văn phòng mở hay thiết lập làm việc theo nhóm cộng tác có thể làm cho những người sống hướng nội khó thể hiện mình.
10. Chấp nhận xu thế toàn cầu hóa
Peter Weis đánh giá rất cao triển vọng của nhân lực CNTT ở Trung Quốc. Ngành CNTT ở nước này có ưu thế rất lớn nhờ vào lực lượng lao động rất tham vọng và khát khao tìm hiểu về thế giới bên ngoài. Weis cho biết hầu hết các nhân viên không ngại khó và họ luôn ý thức được việc làm cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài là những công việc ở tầm quốc tế. Các nhà quản lý CNTT có thể mở rộng lực lượng lao động triển vọng của họ thông qua tuyển dụng. Weis khuyên: “Hãy tìm những người có kinh nghiệm quốc tế” và nói thêm rằng ông sẽ tìm kiếm sự đa dạng văn hóa và dân tộc trong những người mà ông sắp tuyển, nhấn mạnh vào kỹ năng, trải nghiệm sống hơn là chỉ trình độ công nghệ.
Tin liên quan
Ưu và nhược điểm của các công cụ quản lý tài sản dành cho doanh nghiệp cỡ vừa
Cho dù nâng cấp từ hệ thống hiện có hay chuyển đổi từ bảng tính, việc lựa chọn giải pháp quản lý tài sản phù hợp là rất quan trọng để hỗ trợ sự phát triển liên tục của một doanh nghiệp trung bình quy mô.
Chi tiết...Quản lý dự án giúp tổ chức tiến về phía trước
Quản lý dự án là một phương pháp quan trọng không thể thiếu ở mọi doanh nghiệp nhằm thực hiện các dự án hiệu quả trong phạm vi về thời gian, chi phí và nguồn nhân lực thông qua việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào quản lý. Do đó, doanh nghiệp luôn coi quản lý dự án là một trong những vấn đề trọng điểm đáng lưu tâm để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Báo cáo quản lý dự án đúng cách
Để đánh giá và giám sát dự án đang thực hiện một cách tốt nhất, bạn cần có cái nhìn đa chiều về tình trạng của dự án. Một bản báo cáo quản lý dự án sẽ giúp bạn đánh giá hiệu quả và chất lượng dự án, phát hiện những vấn đề nảy sinh và tìm giải pháp khắc phục để đạt được một dự án thành công. Vậy làm thế nào để tạo một báo cáo quản lý dự án hoàn chỉnh và dễ hiểu? Cùng tìm hiểu cách viết báo cáo quản lý dự án hiệu quả dưới đây!
Chi tiết...Tổ chức đa dạng - Sức mạnh tổng hợp
Đa dạng trong môi trường doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển và mục tiêu lâu dài của một tổ chức. Đó là môi trường làm việc mà nhiều cá nhân không chỉ có sự khác biệt về giới tính, văn hóa mà còn có sự đa dạng trong lối sống, suy nghĩ, tích cách, trải nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc,...
Chi tiết...Học tập trong tổ chức - Mở rộng năng lực sáng tạo
Con người đang tồn tại trong một thế giới biến động không ngừng. Hầu hết các doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức trong việc tập hợp những nhân sự tiềm năng và biến những năng lực của cá nhân đó trở thành năng lực của tập thể.
Chi tiết...Tầm quan trọng của quản lý tài sản tại doanh nghiệp sản xuất
Để tối đa hóa và kéo dài tuổi thọ hữu ích của hệ thống tài sản - trang thiết bị tại nhà máy, phân xưởng giúp giảm chi phí bảo trì, kiểm soát tốt hơn hàng tồn kho và đạt được cái nhìn tổng thể về tài sản trong quy trình sản xuất của nhà máy, việc số hóa hệ thống tài sản là rất quan trọng.
Chi tiết...