Tại sao ứng dụng ERP ở Việt Nam chưa phổ biến
- VnMedia
- /
- 28.06.2014
- /
- 21180
Theo ông Hoàng Minh Châu - Giám đốc Công ty FPT TP.HCM, có nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp (DN) khi ứng dụng ERP. Năng suất lao động sẽ tăng do các dữ liệu đầu vào chỉ phải nhập một lần cho mọi giao dịch có liên quan, đồng thời các báo cáo được thực hiện với tốc độ nhanh hơn, chính xác hơn. DN có khả năng kiểm soát tốt hơn các hạn mức về tồn kho, công nợ, chi phí, doanh thu, lợi nhuận… đồng thời có khả năng tối ưu hóa các nguồn lực như nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thi công… vừa đủ để sản xuất, kinh doanh.
Các thông tin của DN được tập trung, đầy đủ, kịp thời và có khả năng chia sẻ cho mọi đối tượng cần sử dụng thông tin như khách hàng, đối tác, cổ đông. Khách hàng sẽ hài lòng hơn do việc giao hàng sẽ được thực hiện chính xác và đúng hạn. Ứng dụng ERP cũng đồng nghĩa với việc tổ chức lại các hoạt động của DN theo các quy trình chuyên nghiệp, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, do đó nó nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu của DN.
80% khối lượng công việc trong quá trình triển khai ERP là tư vấn, chỉ có 20% khối lượng là lập trình. Hầu hết các dự án ERP không thành công là do khâu tư vấn chưa tốt. Ở Việt Nam, chúng ta chưa có những chuyên gia tư vấn giỏi, có kinh nghiệm. Vì thế, khi triển khai những ERP phức tạp cho các DN lớn, chúng ta nên thuê tư vấn quốc tế, vừa đảm bảo cho dự án chắc chắn thành công, vừa tạo ra cơ hội học hỏi tích lũy kinh nghiệm cho Việt Nam. Đáng tiếc là nhiều nơi vẫn chưa coi tư vấn là then chốt, không chấp nhận các chi phí thuê tư vấn.
ERP không đơn thuần là công nghệ. Trên hết, nó là nơi tích lũy kiến thức và kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm tác nghiệp. Sử dụng ERP quốc tế là sử dụng kinh nghiệm quản lý hàng trăm năm của nhân loại. Vì thế, với những doanh nghiệp nên sử dụng những phần mềm ERP quốc tế, sẽ có hiệu quả cao hơn.
Cũng theo ông Châu, để thiết kế một ERP chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế, cần có rất nhiều chuyên gia quản lý xuất sắc trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đồng thời cũng cần nhiều năm tích lũy kinh nghiệm triển khai để hoàn thiện. Vào thời điểm hiện tại, chưa có công ty phần mềm Việt Nam thỏa mãn tiêu chuẩn này.
Tùy từng quy mô của DN mà lựa chọn phần mềm phù hợp. Với những DN nhỏ, có thể chọn các phần mềm ERP do các công ty Việt Nam viết. Tuy nhiên, các ERP nội địa hầu hết chưa có module sản xuất; sự liên kết giữa các module chưa thật tốt; tác giả của các ERP nội địa phần lớn đều là những kỹ sư tin học, trong khi thực chất ERP là quy trình, là quản trị, vì thế họ không lường hết các tình huống quản lý có thể xảy ra.
Phần lớn các công ty Việt Nam quan tâm đến triển khai ERP hiện nay đều là những công ty lớn với doanh số từ vài trăm tỉ đồng trở lên. Chính vì thế họ quan tâm đến các giải pháp hàng đầu thế giới như SAP và Oracle. Đây là hai giải pháp có thị phần lớn nhất thế giới. Trước đây, SAP và Oracle chỉ chú ý đến những khách hàng lớn. Hiện nay, họ đã quan tâm cả đến những DN nhỏ với các giải pháp phù hợp có giá cạnh tranh.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc ứng dụng ERP ở Việt Nam chưa phổ biến. Công tác giới thiệu, tuyên truyền sự cần thiết của việc ứng dụng ERP trong DN chưa sâu rộng, khiến cho nhiều lãnh đạo không có điều kiện tiếp xúc với các giải pháp mới này. Kinh phí đầu tư triển khai ERP tương đối lớn, khiến cho nhiều DN thận trọng. Một số DN đi đầu trong việc triển khai ERP, nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn, nên đã tạo ra tâm lý hoài nghi ở những DN khác. Ngoài ra còn có nguyên nhân thuộc về năng lực yếu kém của các công ty triển khai ERP tại Việt Nam.
Ứng dụng ERP là xu thế tất yếu, là công cụ quan trọng để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nó cũng giúp DN tiếp cận tốt hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Một DN nếu ứng dụng ngay từ khi quy mô còn nhỏ sẽ có thuận lợi là dễ triển khai và DN sớm đi vào nề nếp. DN nào chậm trễ ứng dụng ERP, DN đó sẽ tự gây khó khăn cho mình và tạo lợi thế cho đối thủ. Tuy nhiên, ứng dụng ERP không phải dễ, cần hội tụ nhiều điều kiện để có thể ứng dụng thành công như: nhận thức và quyết tâm cao của ban lãnh đạo DN; cần xác định đúng đắn mục tiêu, phạm vi và các bước triển khai; lựa chọn giải pháp phù hợp...
Tin liên quan
ERP - Kế hoạch phối hợp bán hàng và hoạt động
Mỗi bộ phận trong DN có những mục đích khác nhau: Bộ phận sản xuất mong muốn chủng loại SP, mẫu mã ổn định, thời gian đáp ứng không quá nhanh, trong khi bộ phận kinh doanh lại đòi hỏi đa dạng mẫu mã và thời gian đáp ứng nhanh.
Chi tiết...Phần mềm ERP sẽ như thế nào trong một vài năm tới?
Các hệ thống ERP đã có một thời gian phát triển khá là dài, tuy nhiên vẫn tiếp tục thay đổi theo thời gian. Các hệ thống ERP của tương lai hứa hẹn sẽ được đơn giản hóa, dễ tiếp cận hơn và dễ dàng hơn để sử dụng, được định hình bởi các xu hướng đang phát triển trong các năm gần đây.
Chi tiết...Đầu tư ERP tại Việt Nam - Đã hiệu quả?
Hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP được coi là công cụ hiệu quả giúp các nhà lãnh đạo trong việc quản lý các nguồn lực khác nhau. ERP cũng được kỳ vọng là công cụ giúp các tổ chức, doanh nghiệp hội nhập với tiêu chuẩn quản lý quốc tế.
Chi tiết...Những vấn đề quan trọng khi đánh giá phần mềm ERP ở Việt Nam
Một cách đánh giá tốt là tìm hiểu xem bao nhiêu công ty cùng ngành đã sử dụng phần mềm ERP và nói chuyện với nhân viên của các đơn vị đó về mức độ hài lòng của họ khi sử dụng các phần mềm này để có những đánh giá chính xác làm cơ sở cho quyết định có nên triển khai và ứng dụng nó hay không.
Chi tiết...Lợi ích của công nghệ ERP trong điện toán đám mây
Việc áp dụng các ERP trên các ứng dụng điện toán đám mây đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Nghiên cứu từ Forbes và ZDNET dự đoán việc áp dụng ERP trong điện toán đám mây công cộng sẽ tăng nhanh trong 5 đến 10 năm tới.
Chi tiết...Giám đốc tài chính doanh nghiệp nhỏ: Bạn có quá nhỏ cho ERP?
ERP bây giờ dễ tiếp cận hơn và giá cả phải chăng cho doanh nghiệp nhỏ hơn bao giờ hết nhờ vào phương pháp cung cấp phần mềm mới với mô hình định giá linh hoạt.
Chi tiết...