Bí quyết đem lại thành công trong việc mở salon, spa
- hoclamgiau.vn
- /
- 15.07.2015
- /
- 41536
Xã hội phát triển, cuộc sống ngày càng được nâng cao. Song bên cạnh đó, con người cũng phải đối mặt với những mặt trái của sự phát triển: khói bụi, ô nhiễm môi trường, công việc quá tải, áp lực kiếm tiền, vấn đề về sức khoẻ, tình cảm… làm cho chúng ta căng thẳng, mệt mỏi. Để lấy lại được sự cân bằng, đến và được chăm sóc, nghỉ ngơi thư giãn tại salon/spa là một biện pháp ngày càng được nhiều người lựa chọn.
Dưới đây là tất cả những gì bạn cần biết để mở một salon/spa mà bạn hằng mơ ước, từ những tiệm cắt tóc, quán massage nhỏ cho đến những salon tóc thời trang và những spa cao cấp.
Nội dung bài viết hướng tới cả salon và spa, tuy nhiên trong bài tác giả xin gọi chung cả hai loại hình là salon cho ngắn gọn, tránh phải lặp đi lặp lại “salon/spa”.
1. Phương án
Có ba phương án cho bạn lựa chọn khi mở một salon. Bạn có thể mở một salon nhượng quyền, theo đó bạn phải trả phí nhượng quyền để được sử dụng một thương hiệu đã có sẵn. Lợi ích của phương pháp này là bạn tận dụng được tên tuổi của nhà nhượng quyền và không phải mất quá nhiều công sức quảng bá cho salon mới của mình. Cách nữa là bạn mua lại salon của ai đó muốn thanh lý - do họ muốn nghỉ làm, muốn chuyển hướng kinh doanh khác hay bị phá sản (những chuyện thế này xảy ra như cơm bữa). Cuối cùng là đầu tư mở hẳn một salon mới và tin tưởng rằng với tài năng, sự chăm chỉ của mình, bạn sẽ thành công.
Ngoài ba phương án trên còn có một phương án nữa rất đáng nhắc đến vì nó khá phổ biến trong ngành kinh doanh thẩm mỹ. Đó là salon thuộc sở hữu của một hay nhiều người – thường chính là chủ nhà – nhưng lại cho một nhóm nhà tạo mẫu tóc hay nhân viên chăm sóc sắc đẹp thuê để làm việc. Hàng tháng, những người thuê salon phải trả cho chủ nhà một khoản tiền để sử dụng salon và các tài sản cố định như tủ đồ, ghế cắt tóc, giường gội….Còn đồ nghề (từ lô cuốn cho đến máy sấy), người thuê nhà phải tự lo. Họ cũng phải tự bố trí thời gian làm việc và làm việc trực tiếp với khách hàng.
2. Thời gian mở cửa
Bạn phải thật cân nhắc thời gian mở cửa để làm sao đón được càng nhiều khách hàng tốt. Một salon thông thường sẽ mở cửa tất cả các ngày trong tuần và một số ngày lễ tết. Thậm chí giờ mở cửa có thể phải kéo dài hơn vào những dịp cao điểm. Việc các salon phải mở cửa vào ngày cuối tuần là một điều bắt buộc (dù thời gian mở cửa có thể rút ngắn so với các ngày khác vì đây là khoảng thời gian duy nhất các bà mẹ bận rộn mới có thời gian chăm sóc bản thân.
Vào ngày thường, các salon tóc ở những khu vực trung tâm hay mở cửa từ 10h00 sáng đến 9h00 tối còn những nơi ít người hơn là từ 10h00 sáng đến 6h00 chiều. Chủ nhật và các ngày lễ thì thời gian mở cửa có thể chỉ đến 5h chiều. Giờ nghỉ trưa và cuối giờ chiều thường là những lúc cao điểm nhất của các salon. Trong những trường hợp đặc biệt, các salon sẽ phải linh hoạt thời gian mở cửa – chẳng hạn mở cửa từ tờ mờ sáng hơn khi có cô dâu hẹn đến trang điểm sớm để kịp giờ cử hành hôn lễ.
3. Lập bảng giá dịch vụ
Một việc quan trọng khác mà bạn phải làm khi lên kế hoạch mở salon là lập bảng giá dịch vụ. Nếu đưa ra giá quá cao, lượng khách hàng sẽ bị hạn chế còn nếu để thấp quá thì sẽ lợi nhuận của salon sẽ bị giảm sút, thậm chí có thể lỗ. Dĩ nhiên, giá cả mà khách hàng có thể chấp nhận được sẽ phụ thuộc rất nhiều vào loại hình dân cư nơi bạn mở tiệm. Nếu bạn ở những khu dân cư cao cấp, bạn có thể đưa giá cao hơn và thậm chí mở thêm những dịch vụ chất lượng cao. Nhưng nếu xung quanh salon của bạn là những gia đình trẻ, có thể bạn sẽ phải hy sinh một số dịch vụ spa (chỉ cung cấp dịch vụ ở mức tối thiểu) và thay vào đó là tập trung vào những kiểu tóc, màu nhuộm cơ bản với giá hợp lý.
Có ba yếu tố mà bạn phải cân nhắc khi lập bảng giá: nhân công - vật tư, chi phí hoạt động, lợi nhuận. Chi phí phí nhân công của một salon bao gồm lương và các khoản phúc lợi của nhân viên tạo mẫu/nhân viên spa và những người làm công việc hành chính (bao gồm quản lý, tiếp tân và các nhân viên phục vụ). Tất nhiên lương của bạn phải xếp đầu bảng. Chi phí nhân công thường tính theo giờ và dao động tuỳ theo thời gian mà nhân viên của bạn phải bỏ ra để cắt một mái tóc hay thực hiện một dịch vụ.
Tiếp đến là chi phí hoạt động. Chi phí này bao gồm tất cả các phí tổn khác bên cạnh chi phí nhân công – như tiền thuê/khấu hao địa điểm, tiền điện, nước… Thông thường chi phí hoạt động sẽ vào khoảng 40-50% chi phí nhân công và vật tư (sau khi tổng kết được các khoản thu chi, bạn sẽ biết được chính xác con số này).
Phần cuối cùng bạn phải tính là lợi nhuận. Lợi nhuận của một salon thường chiếm khoảng 11-15% (có thể cao hơn hoặc thấp hơn một chút tuỳ từng nơi). Để đạt được mức lợi nhuận mong muốn, bạn phải cộng thêm một tỷ lệ % tương ứng vào giá thành dịch vụ.
Một cách để tối giản việc tính toán bảng giá là đặt ra mức doanh thu mục tiêu cho một năm rồi từ đó tính ra giá dịch vụ/giờ. Giả dụ bạn muốn salon mình đạt mức doanh thu là 52.000 USD/năm thì giá các dịch vụ của bạn sẽ là:
52.000 USD/52 tuần = 1.000 USD/tuần
1.000USD/100 giờ mở cửa mỗi tuần = 10 USD/giờ
Cộng 10% tiền lãi = 11 USD/giờ
4. Các loại dịch vụ
Dĩ nhiên, dịch vụ chủ chốt của một salon tóc là cắt và tạo kiểu – từ sấy, là cho đến uốn, nhuộm. Các dịch vụ phổ biến liên quan đến nhuộm là nhuộm highlight, nhuộm lowlight, nhuộm 3D, phủ bóng, khôi phục màu nhuộm, chăm sóc tóc sau khi nhuộm. Còn tạo kiểu thì có tạo sóng, làm xoăn một phần hay xoăn phần đuôi, xoăn xoắn ốc, duỗi tóc. Tết tóc cũng là một dịch vụ ngày càng được nhiều người chọn lựa. Sau cùng là dịch vụ làm tóc cho những dịp đặc biệt như tiệc tùng, cưới hỏi. Chăm sóc chân tay và làm móng tuy thuộc loại hình dịch vụ thẩm mỹ nhưng vẫn xuất hiện ở nhiều salon tóc. Các kiểu chăm sóc chân tay gồm có:
· Cắt tỉa và đánh móng
· Đắp móng lụa
· Đắp móng bột
· Đắp móng khuôn nối
· Nối móng Nail tipping
· Đắp parafin
· Tẩy da chết và matxa tay chân trong quá trình làm móng
Tuỳ theo quy mô và khả năng tài chính (mua thêm trang thiết bị, thuê thêm thợ) mà bạn có thể mở thêm dịch vụ làm móng trong salon của mình ngay từ lúc ban đầu. Một salon không có dịch vụ làm móng thì cũng không sao, nhưng nếu có thì đương nhiên bạn sẽ có lợi thế về không gian và sự tiện lợi hơn những quán chuyên làm móng khác. Tuy nhiên, dù có thêm hay không thêm dịch vụ nào thì tối thiểu salon của bạn phải có cắt, tạo kiểu, làm xoăn, duỗi và nhuộm.
Các loại dịch vụ spa
Như đã đề cập ở trên, các dịch vụ spa đang phát triển đến chóng mặt. Có muôn vàn các loại dịch vụ spa nhưng về cơ bản được chia ra thành chăm sóc da và body, tẩy lông, trang điểm (có thể có thêm dịch vụ làm móng như ở salon nhưng thường thì, giá dịch vụ làm móng ở spa bao giờ cũng sẽ đắt hơn).
Các dịch vụ chăm sóc da và body gồm có:
· Tẩy da chết trên mặt và cơ thể (có thể dùng muối tắm làm sáng da, kem tẩy da chết, kem tẩy enzyme và các loại mặt nạ như bùn hay paraffin…)
· Matxa (toàn thân, mặt, chân, tay)
· Chườm, đắp các dưỡng chất (nhằm làm cơ thể săn chắc, hạn chế tích nước)
· Thuỷ trị liệu (sục bồn, ngâm khoáng nóng, …)
· Nhuộm nâu da/tắm trắng (xịt tay hay dùng máy)
· Tẩy lông, bao gồm
o Triệt lông vĩnh viễn
o Waxing (mặt, chân, cánh tay, bikini, lưng, nách)
· Tạo hình, phun thêu lông mày
· Trang điểm
· Bấm lỗ tai
Khi chọn các dịch vụ cho spa của mình, bạn cần cân nhắc các yếu tố như chi phí thiết bị và khả năng sinh lời. Chẳng hạn bạn có thể muốn có thêm dịch vụ thuỷ trị liệu nhưng loại dịch vụ này đòi hỏi phải đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị rất tốn kém nên trước mắt spa của bạn chỉ tập trung vào dịch vụ matxa, làm mặt không thôi.
Một điểm khác cần lưu ý là dù có thể không làm dịch vụ thuỷ trị liệu, bạn cũng vẫn cần có phòng tắm để sau khi tẩy da chết hay đắp mặt nạ toàn thân, khách hàng của bạn có thể vào đó để tắm tráng. Bạn chỉ không cần phòng tắm khi không có bất kỳ dịch vụ ‘ướt’ nào nhưng như thế sẽ rất khó khi bạn muốn thay đổi, trừ phi bạn cải tạo lại spa của mình hay di dời sang địa điểm khác.
Vì spa cũng giống như một kiểu nghỉ dưỡng nên bạn có thể cung cấp các loại dịch vụ trọn gói – thường một gói sẽ có ít nhất 3 dịch vụ liên hoàn. Chẳng hạn như với thuỷ trị liệu, một gói có thể bao gồm tới 4 loại dịch vụ ‘khô’ và một dịch vụ thuỷ trị liệu. Theo ý kiến của những người trong ngành thì nên có gói nửa buổi (kéo dài khoảng 3 tiếng) và gói một buổi (kéo dài 5 tiếng với 30 phút-1 giờ nghỉ trưa và ăn nhẹ).
5. Một ngày bình thường ở salon
Thường thì vì nhu cầu của khách hàng (thậm chí của cả nhân viên) mà mỗi ngày ở salon lại có những vấn đề mới nảy sinh. Tuy nhiên, một số công việc gần như mang tính cố định và rất ít thay đổi. Chẳng hạn như bạn phải nhận và gọi điện thoại nhiều lần trong ngày, xếp lịch cho khách hàng, mua bổ sung đồ nghề, đào tạo nhân viên mới,… Ngoài ra, bạn cũng sẽ phải có lịch chia ca (có thể điều chỉnh khi nhân viên nghỉ phép), theo dõi các khoản thu chi, lên kế hoạch tiếp thị, quảng cáo và tổ chức những dịch vụ đặc biệt trong ngày hoặc trong tuần để thu hút khách. Về mặt nhân sự, bạn sẽ tuyển người, ghé qua các trung tâm/trường dạy nghề để tìm kiếm những nhân tố mới, đánh giá hiệu quả công việc của những nhân viên hiện tại, hướng dẫn, chỉ bảo những nhân viên trẻ, ít kinh nghiệm, hòa giải khi xảy ra mâu thuẫn giữa các nhân viên. Và tất nhiên, nếu bạn có chứng chỉ hành nghề, bạn cũng sẽ tham gia làm các công việc tạo mẫu tóc.
Công việc của người chủ salon có thể kể cả ngày không hết. Chính vì thế, nhiều người phải thuê thêm một người quản lý để phụ trách những công việc mang tính hành chính, dù salon của họ không lớn lắm. Đây là điều đáng làm nếu bạn muốn tập trung vào công việc chuyên môn là tạo mẫu tóc - riêng công việc này đã chiếm khá nhiều thời gian trong một ngày làm việc của bạn. Tất nhiên, bạn vẫn có thể tranh thủ làm những công việc hành chính trong khi chờ thuốc uốn/nhuộm ngấm vào tóc hay lúc vãn khách. Song để dành toàn tâm, toàn ý cho những việc cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng và nghiêm túc như ghi chép, cân đối sổ sách thì thật là khó.
6. Tiếp thị
Bối cảnh kinh tế sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến công việc làm ăn của bạn. Nếu tình hình kinh tế sáng sủa, mọi người sẽ chịu khó chi tiền cho các dịch vụ salon, spa cao cấp như matxa, đắp mặt nạ toàn thân và cả những dịch vụ mà họ có thể tự làm tại nhà. Nhưng khi nền kinh tế ảm đạm, họ sẽ sẽ hạn chế đi salon và nếu có đi thì cũng chỉ chọn những dịch vụ cơ bản nhất và bình dân nhất.
Để tránh rơi vào tình trạng khó khăn, hãy nghiên cứu thị trường mà bạn hướng đến. Bằng cách này, bạn có thể nắm được mức thu nhập trung bình của khu dân cư nơi bạn mở salon. Kỹ hơn nữa, bạn có thể có được số liệu về tỷ lệ người đi làm và loại hình công việc của họ. Nếu thị trường của bạn có nhiều công nhân và lao động phổ thông thì khi nền kinh tế suy thoái, họ sẽ thắt lưng buộc bụng nhiều hơn và bạn sẽ dễ mất khách hơn. Các dịch vụ về tóc là những dịch vụ thiết yếu nhưng người ta hoàn toàn có thể giãn cách thời gian giữa các lần sử dụng dịch vụ nếu kinh tế khó khăn. Vì thế, bạn hãy nhấc điện thoại lên và gọi điện cho cơ quan quản lý kinh tế ở khu vực mình để biết tình hình của địa phương ra sao.
Trang web của Salon
Giống như khi bạn muốn biết về thông tin sản phẩm và dịch vụ của công ty nào đó, bạn sẽ vào trang web của họ thì trang web của salon bạn sẽ là nơi khách hàng đến để tìm hiểu về bạn. Vì thế, bạn hãy sử dụng trang web để đăng tải các loại thông tin “chào hàng” như giờ mở cửa, sơ đồ chỉ dẫn, danh mục dịch vụ,…
Với spa, việc giới thiệu qua mạng đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhìn những phòng trị liệu được thiết kế chuyên nghiệp, người xem sẽ lập tức có cảm giác thư giãn dễ chịu và nếu biết được ốc đảo bình yên đó chỉ cách mình một cú điện thoại, họ có thể sẽ nhấc máy và bấm số.
Trang web là công cụ tiếp thị cực kỳ quan trọng mà lại hoạt động 24/24 nên thông tin đăng lên phải rất chọn lọc. Nói một cách nôm na, trang web chính là một “brochure trực tuyến” của doanh nghiệp với nhiều trang nội dung thay cho danh thiếp điện tử. Do đó, cách tốt nhất để tạo một trang web với những nội dung thiết thực là đặt mình vào vị trí của khách hàng và nghĩ đến những điều mà họ quan tâm ở một salon hay spa mới. Dưới đây là một số các thắc mắc mà khách hàng tiềm năng của bạn hay hỏi:
Salon
• Liệu bạn có tư vấn cho khách hàng mới không? Có tính phí cho việc này không?
• Bạn có tạo được kiểu cho khách giống hệt như … (tên người nổi tiếng nào đó) không?
• Kiểu tóc mới nhất là gì?
• Các nhà tạo mẫu tóc của bạn có kinh nghiệm không? Họ được đào tạo ở đâu?
• Giá dịch vụ là bao nhiêu?
• Bạn có bán thẻ quà tặng không?
• Dòng sản phẩm chăm sóc tóc mà bạn sử dụng là gì?
• Bạn có chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng không?
• Salon của bạn nằm ở đâu?
• Giờ mở cửa như thế nào?
• Làm sao để có thể liên hệ được với bạn?
Spa
• Nhân viên của bạn có chứng chỉ hành nghề không?
• Nhân viên matxa là nam hay nữ?
• Liệu thuỷ trị liệu có tốt hơn matxa không?
• Bạn vệ sinh thiết bị, dụng cụ như thế nào?
• Thời gian thực hiện một liệu trình?
• Giá cả thế nào?
• Có thể thăm quan cơ sở của bạn trước khi quyết định không?
Quản lý Spa chuyên nghiệp với phần mềm SINNOVA-SALON
7. Chọn địa điểm
Chọn địa điểm để mở salon là một trong những quyết định quan trọng nhất của bạn trong giai đoạn đầu. Đương nhiên, bạn sẽ muốn salon của mình nằm ở vị trí thuận tiện, đông người qua lại (cả đi bộ lẫn đi xe máy/ô tô) và có chỗ đỗ xe. Nơi đó cũng phải sáng sủa, đẹp đẽ, an toàn và có nhiều cửa hàng để tranh thủ những người đi mua sắm (nên tránh xa những nơi gần khu công nghiệp hay sân bay).
Salon của bạn có thể đứng độc lập hoặc nằm ở mặt trước của một cửa hiệu lớn hay trong khuôn viên của một trung tâm mua sắm nào đó. Tuy nhiên, do chi phí thuê mặt bằng ở những trung tâm mua sắm khá đắt đỏ nên kiểu salon là một toà nhà độc lập nằm gần đó vẫn sẽ phổ biến hơn. Ngoài ra, salon thỉnh thoảng cũng xuất hiện ở tầng trệt của một toà nhà văn phòng lớn nơi trung tâm thành phố. Tuy nhiên, địa điểm này bất tiện ở chỗ khách hầu như không qua lại vào buổi chiều muộn hay những ngày cuối tuần.
Một kiểu nữa rất đáng quan tâm là các cơ sở đã từng làm salon nay muốn sang nhượng. Lý do là bạn có thể tận dụng được nhiều thứ đã có sẵn như đường ống nước, đường dây điện chuyên dụng và thậm chí cả những đồ đạc như kệ trưng bày, quầy lễ tân. Tuy nhiên, trước khi quyết định chọn loại salon này, bạn phải xem xét thật kỹ tại sao salon đó phải thanh lý/chuyển nhượng, liệu có phải khu vực đó đã có quá nhiều salon, dân cư quá nghèo hay chủ salon đó đã có quá nhiều tai tiếng về chất lượng dịch vụ hay không.
8. Quy mô
Các salon thường rộng từ 100-200 m2 song không thiếu những chỗ có diện tích nhỏ hơn. Thường thì salon của bạn sẽ chia thành bốn khu vực tách biệt: khu vực tiếp tân/bán hàng, khu vực gội đầu, khu vực cắt tóc tạo kiểu, và khu vực để đồ. Rộng nhất vẫn là khu vực cắt tóc/tạo kiểu – chiếm khoảng 50% mặt bằng. Khoảng 20% nữa nên dành để tiếp tân, 10% để gội đầu và 20% còn lại để nhân viên nghỉ trưa và cất đồ. Phòng vệ sinh và chỗ làm việc của bạn nên bố trí ở khu vực này. Nếu diện tích cho phép, bạn có thể làm thêm một phòng thay đồ cho khách hàng làm uốn, nhuộm. Còn nếu không, họ có thể sử dụng phòng vệ sinh cũng được. Nhớ đặt một thùng/giỏ to trong phòng vệ sinh/phòng tắm để bỏ đồ bẩn. Những sản phẩm mà bạn muốn bán nên trưng bày ngay tại khu vực lễ tân và gần với chỗ thu ngân cho dễ lấy.
Khu vực gội đầu thường nằm ở góc cuối của salon và được trang bị giường hay ghế gội đi kèm chậu. Nên có thêm giá hay tủ để bày những loại dầu gội, dầu dưỡng, dầu ủ mà salon hay sử dụng. Thường thì chúng cũng chính là những sản phẩm bạn bày bán ở khu tiếp tân và để bán được hàng, bạn nên hướng dẫn nhân viên của mình cách giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.
9. Thiết kế
Nếu bạn định mở thêm cả dịch vụ spa trong salon của mình, bạn sẽ cần đến một kiến trúc sư hay một nhà thiết kế chuyên nghiệp. Bởi vì một salon tóc thường có không gian mở, ít tường che hay vách ngăn trong khi các spa lại cần phải chia thành nhiều phòng riêng biệt. Tuy nhiên, nếu đã có thâm niên trong ngành spa, bạn vẫn có thể tự mình đưa ra ý tưởng và thuê người vẽ lại rồi nhờ ai đó thi công.
Mỗi spa thường có nhiều phòng, chẳng hạn như phòng tắm, phòng thay đồ, phòng trị liệu, phòng tư vấn,… Nếu salon của bạn có kèm thêm dịch vụ spa thì nên có khu vực bán hàng riêng cho spa để tránh làm khách hàng nhầm lẫn. Riêng khu lễ tân thì có thể sử dụng chung miễn là nó nằm chỗ thuận tiện cho cả hai, tốt nhất là ở giữa - một bên là salon và bên kia là spa. Nếu được, đồ dùng của spa nên để trong khu vực của spa. Còn không đủ diện tích thì có thể để chung chỗ với đồ của salon nhưng nên xếp riêng rẽ để khi cần thì có thể lấy dễ dàng.
Các dịnh vụ khô và các dịch vụ ướt cần phải có phòng trị liệu riêng biệt. Nên bố trí ánh sáng dàn trải và không quá chói. Trước và sau khi trị liệu có thể bật các bóng sáng nhưng trong cả liệu trình nên tắt đi và bật loại đèn mờ ảo hơn để tạo cảm giác yên bình và thư giãn. Ngoài ra cũng nên bố trí hệ thống thông gió cũng như là vòi nóng lạnh ngay trong phòng để nhân viên matxa có thể trộn sản phẩm hoặc làm ấm khăn mà không phải bước ra ngoài. Cuối cùng, phòng trị liệu cũng cần có hệ thống âm thanh riêng và chỉ chơi những bản nhạc êm ái, du dương chứ đừng bật nhạc rap hay heavy metal!
10. Nhân sự
Một trong những công việc “khó nhằn” khi làm chủ salon là tuyển dụng và giữ chân nhân viên. Nhân viên chính là gương mặt đại diện cho doanh nghiệp mà bạn đã dày công xây đắp lên. Tay nghề, khả năng cũng như tinh thần, thái độ làm việc của họ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công việc làm ăn của bạn, từ sự hài lòng của khách hàng cho đến lợi nhuận thu về.
Dưới đây là danh sách những nhân viên mà salon và spa của bạn sẽ phải có để có thể duy trì hoạt động bình thường.
Người chủ/người điều hành: Bạn cũng nằm trong đội ngũ nhân viên. Nhiệm vụ hàng ngày của bạn là giám sát, điều hành, đưa ra các quyết sách về tài chính, kiểm soát việc nhập hàng và xuất hàng, giải quyết những vấn đề nhân sự, tuyển dụng và đánh giá công việc. Ngoài ra, bạn có thể tham gia tạo mẫu tóc hay làm spa nếu bạn có giấy phép.
Người quản lý salon: Có thể bạn rất muốn làm hết các công việc quản lý nhưng cố gắng đừng ôm đồm quá – trừ phi salon của bạn quá nhỏ. Hãy thuê thêm một người để xử lý giấy tờ, ghi chép sổ sách, phân ca cho nhân viên, nhập hàng, trông nom việc sửa chữa, cải tạo salon và quản lý các trang thiết bị. Trong trường hợp bạn đi vắng, người này sẽ đứng ra điều hành salon thay bạn để salon vẫn hoạt động như bình thường.
Nhà tạo mẫu tóc/nhân viên thẩm mỹ: Những nhân viên này là thành phần nòng cốt của salon. Một số nơi quy định họ phải có giấy phép mới được hành nghề nên bạn cũng cần đề nghị họ xuất trình giấy phép khi tuyển dụng. Một số dịch vụ khác như vật lý trị liệu có thể cũng cần đến giấy phép. Vì thế, hãy liên hệ với cơ quan thẩm quyền ở nơi bạn kinh doanh để biết họ quy định ra sao.
Nhân viên gội đầu/thợ phụ: Đây là người sẽ gội đầu, quét dọn tóc rơi vãi, gập cất khăn và làm các công việc phụ giúp cho thợ chính. Nhiều trường hợp họ là những người mới tốt nghiệp khoá đào tạo nghề nào đó và muốn có thêm kinh nghiệm làm việc hoặc là những thợ làm trong ngành chưa đủ lâu để được cấp phép.
Lễ tân: Ngoài việc đón tiếp khách hàng, lễ tân còn có nhiệm vụ trả lời điện thoại, lên lịch hẹn, chỉ đường, pha trà, cà phê, treo áo cho khách….
Nhân viên làm móng: Như đã đề cập ở trên, cả spa lẫn salon đều có thể có nhân viên làm móng. Nhân viên này chuyên làm những công việc như cắt tỉa móng, đắp móng, nối móng,…
Nhân viên chăm sóc da: Là người có tay nghề cao nhất trong số các nhân viên spa, nhân viên chăm sóc da có thể thực hiện các dịch vụ về chăm sóc da mặt, waxing, matxa…Thường thì họ cũng có thể trang điểm và tư vấn trang điểm trong trường hợp spa của bạn không đủ điều kiện để thuê một chuyên gia trang điểm riêng.
Nhân viên matxa: Tuy nhân viên chăm sóc da cũng có thể matxa nhưng kinh nghiệm và tay nghề không thể bằng một nhân viên matxa thực thụ.
Nhân viên triệt lông: Nhân viên này phải biết sử dụng máy triệt lông và theo quy định ở nhiều nơi trên đất Mỹ, họ phải có giấy phép hành nghề.
Người hành nghề độc lập: Là người bạn không trả lương nhưng tham gia cung cấp các dịch vụ như tạo mẫu tóc, cắt tỉa móng trong salon của bạn. Trường hợp này xảy ra khi người đó thuê mặt bằng của bạn nhưng tự phải lo mọi thứ - từ mua đồ nghề cho đến nộp thuế.
Mặc dù salon và spa là những ngành mang tính đặc thù cao nhưng bạn vẫn có thể tìm được rất nhiều thông tin liên quan qua sách vở, báo chí cũng như qua internet. Vô vàn các bí quyết, kinh nghiệm của những người trong nghề cũng chia sẻ trên mạng.
11. Quản lý và vận hành spa
Quản lý và vận hành một Spa tiêu chuẩn với nhiều dịch vụ như vậy thật ra không phức tạp như bạn tưởng nếu bạn tự đúc kết được quy trình quản lý bài bản. Nếu chưa có kinh nghiệm, bạn có thể tìm đến các trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Spa. Ở đó, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực spa sẽ tư vấn trọn gói cho bạn từ khâu phân tích ý tưởng, triển khai, thiết kế dịch vụ, thiết kế không gian và quản lý vận hành spa.
Ngoài ra, bạn có thể ứng dụng phần mềm quản lý Salon/Spa . Phần mềm này sẽ hỗ trợ bạn tối đa trong việc nắm bắt mọi thông tin cần thiết một cách chính xác và kịp thời, từ đó có thể đưa ra các kế hoạch và quyết định đúng đắn, giảm tối đa chi phí, tăng thêm khả năng cạnh tranh, nâng cao kết quả kinh doanh.
Khách đến Spa sẽ rất hài lòng nếu được nhân viên mời
một ly trà thảo dược thơm với thái độ phục vụ rất niềm nở hòa nhã
Điều quan trọng nhất trong kinh doanh spa nói riêng và kinh doanh nói chung theo chia sẻ của chị Nguyễn Lan Hương – một chủ spa có tiếng tại HN là “phải chạm đúng đối tượng khách hàng”. Có những spa đầu tư vượt quá tầm hoặc dưới tầm khách hàng của họ nên không thành công. Chị Hương cho biết: “Có nhiều người cho rằng tôi có rất nhiều tiền, tôi có nhiều bạn bè thích spa nên tôi mở spa đó là một quan niệm rất sai lầm, do chủ quan mà có nhiều người có rất nhiều tiền mà vẫn sập tiệm, trong khi nhiều người cứ phải loay hoay đi tìm vốn thì lại trụ được vì người ta đi đúng hướng, tìm được đúng đối tượng khách hàng có nhu cầu thực”.
Một điều quan trọng nữa là chủ đầu tư spa phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt đặc điểm tâm lý khách hàng để có phong cách phục vụ phù hợp. Ví dụ như đối tượng khách hàng châu Âu và khách hàng Nhật có nhiều điểm khác biệt, khách châu Âu kể cả khi không hài lòng họ vẫn khen nhiệt tình, nhưng khách Nhật thì khác, họ sẽ giữ im lặng và sau đó sẽ truyền miệng rất nhanh những ý kiến không tốt cho cộng đồng của họ. Người Nhật đòi hỏi sự chuẩn xác tuyệt đối về thời gian, điều này phải ghi rõ trong menu dịch vụ.
Bày tỏ quan điểm đối với việc chăm sóc khách hàng, chị Nguyễn Lan Hương chia sẻ: “Giữ chân khách hàng quan trọng hơn phát triển khách hàng, phát triển ra mười người khách mà cả mười người cùng đi thì không bằng có một người khách trung thành. Chúng tôi cho nhân viên trực tiếp phục vụ khách gửi tin nhắn, email cảm ơn khách hàng với lời lẽ bày tỏ tình cảm thực sự từ trong trái tim, nhắc cho họ nhớ những chi tiết trải nghiệm của họ tại Spa. Khi khách hàng sử dụng dịch vụ hài lòng, họ sẽ tự truyền miệng cho những người khác”.
Để kết bài này, chúng tôi xin mượn chia sẻ của chị Lan Hương: “Kinh doanh spa cũng có giai đoạn thăng trầm, vấn đề là người chủ kinh doanh có vượt qua được hay không. Càng những lúc khó khăn mình lại càng phải chăm lo đến chất lượng dịch vụ, không vì thấy vắng khách mà để xuống cấp đi. Khách hàng của Spa vẫn duy trì đều đặn trong giai đoạn này vì ngay những lúc suy sụp nhất, khó khăn nhất cũng không tăng phí dịch vụ với khách hàng, không sa thải nhân viên, không cắt giảm chất lượng dịch vụ mà còn tìm cách tăng thêm giá trị của dịch vụ đó để khách hàng đã đi chỗ này chỗ kia, bản thân họ sẽ tự so sánh. Cảm nhận của khách hàng là quan trọng, người ta trả tiền và tự người ta làm giám khảo với đồng tiền của người ta."
Tin liên quan
Nghịch lý nghề sales: Khách hàng cũ đem lại 80% thu nhập, nhưng sales nào cũng chỉ chăm chăm tìm khách hàng mới
Muốn tăng thu nhập, hãy bán hàng cho khách hàng cũ cũng như biến khách hàng cũ thành người giới thiệu của bạn.
Chi tiết...Phương thức tiếp thị cho Salon beauty: “Rượu cũ bình mới” có thực sự hiệu quả ?
Nếu bạn đang là chủ một cơ sở kinh doanh, chắc chắn bạn sẽ hiểu được giá trị của việc marketing thu hút khách hàng và tăng doanh số là yếu tố sống còn. Dưới đây là một số gợi ý tiếp thị cho Salon, Spa có thể gửi tới khách hàng để khởi động chiến dịch Marketing của riêng bạn hoặc thúc đẩy hoạt động tiếp thị của mình.
Chi tiết...6 phương thức giúp tăng lượng khách đến Salon
Nếu bạn đang là chủ một cơ sở kinh doanh, chắc chắn bạn sẽ hiểu được giá trị của việc marketing thu hút khách hàng và tăng doanh số là yếu tố sống còn. Dưới đây là một số gợi ý tiếp thị cho Salon, Spa có thể gửi tới khách hàng để khởi động chiến dịch Marketing của riêng bạn hoặc thúc đẩy hoạt động tiếp thị của mình.
Chi tiết...Tại sao rebooking lại là cứu cánh cho các cửa tiệm làm đẹp?
Đã từ nhiều năm nay, rebooking luôn được các nhà kinh doanh tài ba nhất trong lĩnh vực làm đẹp nhắc đến như một giải pháp cứu cánh tuyệt vời để nâng cao doanh số của cửa tiệm. Tại sao lại như vậy? Hãy cùng SINNOVA tìm hiểu xem sao nhé!
Chi tiết...Làm cho tiệm Salon của bạn nổi bật giữa đám đông
Chúng tôi đã làm những thứ hiển nhiên cần làm, nhưng tôi cần làm gì để tiệm salon của chúng tôi nổi bật? Làm thể nào để tôi giúp cho khách hàng của chúng tôi trải nghiệm khác biệt? Hãy trở thành cái gì đó thật đặc biệt.
Chi tiết...8 lời khuyên giúp bạn quản lý, vận hành và tăng trưởng hệ thống Salon & Spa
Mỗi mô hình kinh doanh đều có nhiều điểm cần quan tâm, giành thời gian và tập trung để phát triển. Lĩnh vực salon & spa là lĩnh vực dịch vụ được ví như làm dâu trăm họ. Nếu bạn có ý định hoặc đang quản lý vận hành hệ thống, chuỗi cửa hàng salon, spa thì những lời khuyên sau có thể giúp bạn vận hành tốt, phát triển bền vững trong lĩnh vực rất cạnh tranh mà vẫn giành thời gian đi chơi golf.
Chi tiết...